Skip to main content
Surveillance
Self-Defense

Tạo Mật Khẩu Mạnh

Cập nhật lần cuối: October 29, 2018

This page was translated from English. The English version may be more up-to-date.

Tạo Mật Khẩu Mạnh Với Phần Mềm Quản Lý Mật Khẩu anchor link

Dùng lại các mật khẩu là một thói quen cực kỳ xấu về bảo mật. Nếu kẻ gian có được một mật khẩu mà bạn dùng cho nhiều dịch vụ khác nhau thì họ sẽ truy cập vào được các tài khoản đó. Đó là tại sao có mật khẩu mạnh, đặc thù, khác nhau là điều vô cùng quan trọng.

Cũng may là có phần mềm quản lý mật khẩu để giúp việc này. Một phần mềm quản lý mật khẩu là một công cụ để tạo ra và lưu trữ mật khẩu cho bạn, để bạn có thể dùng các mật khẩu khác nhau cho các trang mạng và dịch vụ khác nhau mà không cần phải nhớ chúng. Phần mềm quản lý mật khẩu:

KeePassXC là thí dụ của phần mềm quản lý mật khẩu mã nguồn mở và miễn phí. Bạn có thể chạy công cụ này trên máy hoặc tích hợp nó vào trình duyệt . KeePassXC không tự động lưu các thay đổi khi bạn sử dụng, do đó nếu phần mềm bị sự cố sau khi bạn thêm mật khẩu, bạn có thể mất luôn mật khẩu đó. Bạn có thể thay đổi tính năng này ở phần thiết đặt.

Bạn ngẫm nghĩ không biết phần mềm quản lý mật khẩu có phải là công cụ phù hợp cho mình không? Nếu có một đối thủ đầy quyền lực như chính quyền nhắm tấn công bạn thì có thể là không.

Nên nhớ:

  • khi dùng phần mềm quản lý mật khẩu là tạo ra một tụ điểm có thể bị mất mát
  • phần mềm quản lý mật khẩu là đích nhắm hiển nhiên cho đối thủ.
  • nghiên cứu cho thấy một số phần mềm quản lý mật khẩu có yếu điểm.

Nếu bạn lo lắng về những cuộc tấn công số tốn kém thì thử những phương cách đơn giản hơn. Bạn có thể tạo ra mật khẩu mạnh bằng tay (xem phần “Tạo mật khẩu mạnh dùng con xúc xắc” dưới đây), viết xuống giấy, rồi giữ đâu đó an toàn trong người.

Nhưng, theo nguyên tắc thì chúng ta chỉ nên nhớ mật khẩu trong đầu và không bao giờ viết xuống giấy mà? Thật ra, viết xuống giấy, và giữ trong người, bỏ trong bóp chẳng hạn, có điểm hữu ích là ít ra bạn biết khi mật khẩu bị thất lạc hay bị đánh cắp.

Tạo mật khẩu mạnh dùng con xúc xắc anchor link

Có một vài mật khẩu cần phải nhớ và cần phải thật mạnh. Bao gồm:

  • mật khẩu cho thiết bị của bạn
  • mật khẩu để mã hóa (như mã hóa toàn bộ ổ đĩa cứng)
  • mật khẩu chính, hay “cụm từ mật khẩu” của phần mềm quản lý mật khẩu.
  • mật khẩu của email bạn

Một trong những khó khăn khi tự chọn mật khẩu là con người không giỏi để làm những chọn lựa ngẫu nhiên, bất thường. Một cách hữu hiệu để tạo ra mật khẩu mạnh và dễ nhớ là dùng con xúc xắc và một danh sách các từ để chọn một số từ ngẫu nhiên. Các từ nay gộp lại thành “cụm từ mật khẩu” của bạn. “Cụm từ mật khẩu” là loại mật khẩu dài hơn bình thường để gia tăng bảo mật. Để mã hóa toàn bộ đĩa cứng và cho phần mềm quản lý mật khẩu, chúng tôi đề nghị chọn ít nhất là sáu từ.

Tại sao ít nhất là sáu từ? Tại sao dùng con xúc xắc để chọn từ một cách ngẫu nhiên? Mật khẩu càng dài và càng ngẫu nhiên thì càng khó để cho máy tính và con người đoán được. Để tìm hiểu thêm tại sao bạn cần mật khẩu dài, khó đoán, hãy xem video giải thích.

Thử tạo ra cụm từ mật khẩu dùng một trong những danh sách các từ của EFF.

Nếu máy tính hoặc thiết bị của bạn bị xâm nhập và phần mềm gián điệp được cài đặt, phần mềm gián điệp đó có thể lén thấy bạn gõ mật khẩu chính và có thể đánh cắp nội dung trong két mật khẩu. Do đó điều rất quan trọng cần lưu ý là giữ cho máy tính và các thiết bị khác không dính mã độc khi sử dụng phần mềm quản lý mật khẩu.

Đôi lời về “Câu hỏi Bảo mật” anchor link

Hãy chú ý đến “câu hỏi bảo mật” mà các trang mạng dùng để xác nhận danh tính của bạn. Câu trả lời thành thật cho các câu hỏi này đôi khi là những dữ kiện có thể bị công khai phát hiện. Một đối thủ khi kiên quyết có thể dễ dàng tìm thấy và từ đó vượt qua mật khẩu của bạn.

Thay vào đó, cung cấp các câu trả lời hư cấu mà không ai khác ngoài bạn biết. Lấy thí dụ, nếu câu hỏi bảo mật là:

“Tên của con vật bạn nuôi đầu tiên là gì?”

Câu trả lời có thể là một mật khẩu ngẫu nhiên do phần mềm quản lý mật khẩu tạo ra. Bạn nhớ giữ câu trả lời hư cấu này ngay trong két mật khẩu.

Hãy nhớ lại các trang mạng mà bạn có dùng câu hỏi bảo mật và cân nhắc đổi lại câu trả lời. Đừng dùng cùng mật khẩu hay câu hỏi bảo mật cho các tài khoản khác nhau trên các trang web hay dịch vụ khác nhau.

Đồng bộ mật khẩu trên nhiều thiết bị anchor link

Nhiều phần mềm quản lý mật khẩu có chức năng đồng bộ hóa mật khẩu trên nhiều thiết bị để bạn truy cập được các mật khẩu trên bất cứ thiết bị nào. Có nghĩa là khi bạn đồng bộ hóa tập tin mật khẩu trên một thiết bị, nó sẽ cập nhật trên tất cả các thiết bị của bạn.

Một số phần mềm quản lý mật khẩu có thể lưu mật khẩu “trên đám mây” có nghĩa là được mã hóa và lưu trữ trên một máy chủ từ xa. Khi bạn cần mật khẩu thì phần mềm sẽ tự động lấy về và giải mã mật khẩu cho bạn. Phần mềm quản lý mật khẩu dùng máy chủ riêng để lưu trữ hoặc để giúp đồng bộ mật khẩu thì có tiện lợi, nhưng đổi lại là có thể dễ bị tấn công hơn. Nếu mật khẩu của bạn được lưu trữ trên cả máy tính và trên mây, thì kẻ tấn công không cần phải đánh cắp hay xâm nhập vào máy tính của bạn để tìm mật khẩu. (Dĩ nhiên là họ phải ráng bẻ khóa của phần mềm quản lý mật khẩu.)

Nếu bạn lo lắng về điều này thì đừng có đồng bộ hóa mật khẩu lên mây, thay vào đó chọn lưu trữ trên thiết bị của bạn thôi.

Giữ một bản sao lưu của cơ sở dữ liệu mật khẩu để phòng hờ. Nếu máy bị hỏng hoặc bị tịch thu hay đánh cắp và làm mất cơ sở dữ liệu mật khẩu thì bạn vẫn còn bản sao lưu. Phần mềm quản lý mật khẩu thường có cách để làm sao lưu, hoặc bạn có thể dùng các phần mềm sao lưu khác.

Xác minh nhiều yếu tố và mật khẩu dùng một lần anchor link

Mật khẩu mạnh, đặc thù sẽ khiến cho kẻ gian không dễ dàng xâm nhập vào tài khoản của bạn. Để bảo vệ tài khoản hơn nữa, mở chức năng xác minh hai yếu tố .

Một số dịch vụ cho bạn sử dụng xác minh hai-yếu tố, hay còn gọi xác minh hai-bước hoặc đăng nhập hai bước. Việc này đòi hỏi người dùng có hai phần (mật khẩu và một yếu tố thứ nhì) để đăng nhập vào tài khoản. Yếu tố thứ nhì có thể là một mã số kín dùng một lần hoặc một con số do một trình chạy trên thiết bị di động tạo ra.

Xác minh hai yếu tố dùng điện thoại di động có thể làm qua một trong hai cách sau đây:

  • Điện thoại bạn chạy một trình xác minh để tạo ra mã số bảo mật (chẳng hạn như Google Authenticator hoặc Authy) hoặc bạn có thể dùng một thiết bị độc lập (chẳng hạn như YubiKey); hoặc
  • dịch vụ có thể gửi bạn một mã số bảo mật qua tin nhắn văn bản để bạn dùng nó đăng nhập vào tài khoản.

Nếu có chọn lựa, bạn nên dùng ứng dụng xác minh hoặc thiết bị độc lập thay vì nhận mã số qua tin nhắn văn bản. Đối với kẻ tấn công thì điều hướng tin nhắn văn bản về điện thoại của họ dễ hơn là tìm cách bẻ gãy xác minh.

Một vài dịch vụ như Google cho phép bạn tạo ra một danh sách các mật khẩu một lần, còn được gọi là mật khẩu dùng một lần. Các mật khẩu này có thể được in hoặc viết trên giấy để bạn có thể mang theo. Mỗi một mật khẩu này chỉ dùng được một lần, do đó nếu một mật khẩu bạn gõ xuống bị đánh cắp bởi phần mềm gián điệp thì kẻ cắp không thể sử dụng mật khẩu đó trong tương lai.

Nếu bạn hoặc tổ chức của bạn có hạ tầng cơ sở liên lạc riêng, thì có phần mềm miễn phí sử dụng xác minh hai bước để truy cập vào hệ thống. Tìm phần mềm nào áp dụng tiêu chuẩn mở “Mật khẩu một lần dựa vào thời gian” hoặc RFC 6238.

Đôi Khi, Bạn Phải Tiết Lộ Mật Khẩu anchor link

Luật lệ về việc tiết lộ mật khẩu có khác biệt từ nơi này sang nơi khác. Có nơi, bạn có thể khiếu nại pháp lý khi bị đòi mật khẩu trong khi ở nơi khác, luật pháp sở tại cho phép chính quyền yêu cầu được biết – và có thể bỏ tù bạn nếu tình nghi bạn biết mật khẩu hay chìa khóa . Đe dọa gây tổn thương thể xác có thể dùng để buộc tiết lộ mật khẩu. Hoặc bạn có thể rơi vào tình huống, chẳng hạn như khi đi qua biên giới, nơi mà giới chức trách có thể cầm chân lại hoặc tịch thu thiết bị nếu bạn không chịu tiết lộ mật khẩu hoặc mở khóa thiết bị của mình.

Chúng tôi có một cẩm nang riêng biệt Những điều cần lưu ý khi đi qua biên giới Hoa Kỳ để hướng dẫn cách đối phó khi được nhân viên biên phòng yêu cầu mở máy ra xem xét những lúc bạn ra/vào Hoa Kỳ. Trong tình huống khác, bạn nên suy xét xem người khác buộc bạn tiết lộ mật khẩu như thế nào, và hệ quả là gì.