Skip to main content
Surveillance
Self-Defense

Lựa chọn VPN phù hợp với bạn

Cập nhật lần cuối: October 17, 2014

This page was translated from English. The English version may be more up-to-date.

VPN là gì? VPN là viết tắt của từ “Mạng riêng ảo » (Virtual Private Network). Nó khiến cho máy tính có thể gửi và nhận dữ liệu qua mạng chia sẻ hoặc mạng công cộng như đang trực tiếp kết nối vào một mạng riêng – vì thế mà thụ hưởng được các chức năng, bảo mật, và chính sách quản lý của mạng riêng.

VPN sử dụng tốt cho chuyện gì? anchor link

Bạn có thể sử dụng VPN để kết nối với mạng nội bộ công ty tại văn phòng trong khi đang đi du lịch nước ngoài, trong khi bạn ở nhà, hoặc bất kỳ lúc nào bạn ở ngoài văn phòng.

Bạn cũng có thể sử dụng VPN thương mại để mã hóa dữ liệu khi mà dữ liệu đó được chuyển đi trong mạng công cộng, như là mạng Wi-Fi tại quán cafe hoặc khách sạn.

Bạn có thể dùng một VPN thương mại để vượt thoát kiểm duyệt internet trên một mạng ngăn chặn các trang mạng hoặc các dịch vụ nào đó. Ví dụ như nhiều người dùng Trung Quốc sử dụng các VPN thương mại để truy cập các trang web bị ngăn cấm bởi Vạn Lý Tường Lửa (Great Firewall)

Bạn cũng có thể kết nối tới mạng ở nhà bằng cách chạy dịch vụ VPN riêng của mình, dùng phần mềm mã nguồn mở như OpenVPN.

VPN không làm được gì? anchor link

VPN bảo vệ đường truyền internet của bạn khỏi bị giám sát trên mạng công cộng, nhưng nó không bảo vệ dữ liệu của bạn từ những người có trên mạng riêng mà bạn đang sử dụng. Nếu bạn đang sử dụng VPN công ty, thì bất kỳ ai điều hành mạng công ty sẽ thấy được thông tin của bạn. Nếu bạn sử dụng một VPN thương mại, thì bất kỳ ai điều hành dịch vụ đó sẽ có thể thấy được thông tin của bạn.

Người quản lý công ty hoặc VPN thương mại của bạn cũng có thể bị áp lực từ chính quyền hoặc cơ quan công lực để giao nộp các thông tin về dữ liệu bạn gửi đi trên mạng. Bạn nên xem lại chính sách bảo mật của nhà cung cấp dịch vụ VPN để biết trong trường hợp nào mà nhà cung cấp VPN có thể giao nộp dữ liệu cho chính quyền hoặc cơ quan công lực.

Bạn cũng nên lưu ý đến các quốc gia mà nhà cung cấp VPN hoạt động kinh doanh tại đó. Nhà cung cấp sẽ phải tuân thủ với pháp luật tại các nước đó, điều này có thể bao gồm các yêu cầu luật pháp đòi thông tin của bạn từ chính quyền sở tại, hoặc các quốc gia khác mà chính quyền sở tại có hiệp định tương trợ tư pháp. Trong nhiều trường hợp, luật pháp sẽ cho phép thực hiện các yêu cầu mà không cần thông báo cho bạn hoặc không tạo cơ hội nào để tranh cãi về yêu cầu đó.

Hầu hết các VPN thương mại sẽ yêu cầu bạn trả phí bằng thẻ tín dụng, thẻ này bao gồm cả thông tin về bạn, điều mà bạn không muốn tiết lộ cho nhà cung cấp VPN. Nếu bạn muốn giữ số thẻ tín dụng không cho nhà cung cấp VPN thương mại biết, có lẽ bạn nên sử dụng dịch vụ của một nhà cung cấp VPN chấp nhận Bitcoin, hoặc sử dụng số thẻ tín dụng tạm thời hoặc thẻ tín dụng dùng một lần. Cũng nên lưu ý rằng nhà cung cấp VPN vẫn sẽ thu thập địa chỉ IP khi bạn sử dụng dịch vụ, mà chúng có thể được dùng để xác định danh tính của bạn, kể cả khi bạn sử dụng cách trả tiền khác. Nếu bạn muốn giấu địa chỉ IP để nhà chung cấp VPN không biết, bạn nên sử dụng Tor khi kết nối với VPN.

Để biết thông tin về các dịch vụ VPN cụ thể, bấm vào đây.

EFF chúng tôi không thể bảo đảm cho việc đánh giá các VPN này. Một số VPN với chính sách bảo mật mẫu mực cũng có thể được điều hành bởi những người không đàng hoàng. Không sử dụng một VPN mà bạn không tin tưởng.