Skip to main content
Surveillance
Self-Defense

Nhóm Facebook: Giảm Thiểu Rủi Ro

Cập nhật lần cuối: October 29, 2018

This page was translated from English. The English version may be more up-to-date.

Nhóm Facebook dùng để tụ họp lại những người có cùng sở thích chung để liên lạc, chia sẻ tin tức, và thực hiện các đề án chung. Có nhiều loại nhóm khác nhau từ việc tụ tập nhóm fan đến việc quảng bá thông tin cho một mục tiêu, mít tính chính trị. Các nhóm Facebook chưa được thiết kế để làm việc chung an toàn và bảo mật, nhưng với mức phổ quát của Facebook ngày càng tăng, người ta vẫn dùng nhóm Facebook để kết hợp làm việc, và do đó có thể gặp rủi ro bị theo dõi, bị phá hoại bởi những người dùng Facebook khác hoặc do chính quyền gây ra.

Facebook đôi khi xóa mất các nhóm mang màu sắc chính trị lớn mà không thông báo trước, và Facebook bị mang tiếng là thường đổi các thiết đặt quyền riêng tư một cách không rõ ràng. Nếu bạn thảo luận những vấn đề nhạy cảm, có lẻ nên suy xét đến việc dùng các trang web hay công cụ khác đặt vấn đề bảo mật và quyền riêng tư lên hàng đầu. Điều đó có thể không thực tế nếu độc giả không muốn hoặc không thể bỏ Facebook. Do đó nếu bạn có trách nhiệm tạo ra một nhóm Facebook cho một đề tài nhạy cảm hoặc cho một cộng đồng có thể bị nguy hại, hoặc bạn sẽ là quản trị viên của nhóm, sau đây là một số điều cần lưu tâm.

Điều chỉnh cài đặt quyền riêng tư của nhóm anchor link

Trước khi tạo nhóm, hãy suy nghĩ về mục đích và mục tiêu. Bạn muốn dùng nhóm để trao đổi một đề tài gây nhiều tranh cãi? Khởi động một phong trào chính trị? Muốn quảng bá nhóm này đến đối tượng nào? Thành viên nhóm có muốn giữ kín tư cách thành viên? Muốn dấu với ai? Những suy xét này sẽ giúp bạn xác định chính sách quyền riêng tư và từ đó biết cài đặt quyền riêng tư nào thích hợp nhất.

Khác với trang Facebook, dùng để tạo hiện diện cho các thương hiệu, doanh nghiệp, tổ chức và nhân vật của công chúng, nhóm không phải lúc nào cũng công khai xem được bởi bất cứ ai trên Facebook. Khi bạn tạo một nhóm, bạn có thể chọn một trong ba cài đặt quyền riêng tư—Công Khai, Kín, hoặc Bí Mật. Bảng này của Facebook cho thấy ai có thể tham gia nhóm và thấy được gì tùy theo cài đặt quyền riêng tư đã định.

Nếu bạn xét thấy một trang Facebook thích hợp hơn cho mục tiêu của mình, thì nhớ là Trang là nơi công khai. Có nghĩa là ngay cả người không có tài khoản Facebook cũng đọc được. Theo Facebook, “Trang bạn thích được liệt kê trong phần Giới thiệu trên trang cá nhân của bạn, bên dưới Lượt thích. Bài viết bạn đã thích trên Trang có thể xuất hiện trong Bảng tin. Chúng tôi có thể hiển thị bạn trên Trang bạn đã thích hoặc trong quảng cáo về Trang đó.”

Nhóm Facebook công khai được mọi người thấy trên Facebook, kể cả các tác nhân chính quyền hay cá nhân thù nghịch. Và các nhóm Facebook Công khai và Kín có thể hiển thị khi tìm kiếm. Bạn nhớ điều quan trọng đó nhất là khi nhóm Facebook được dùng cho mục tiêu chính trị.

Nếu bạn đã tạo nhóm rồi và muốn điều chỉnh các cài đặt quyền riêng tư, tất cả quản trị viên của nhóm đều có khả năng tùy chỉnh. Tuy nhiên, quyền riêng tư của các nhóm có hơn 5.000 thành viên chỉ có thể đổi sang dạng thiết đặt hạn chế hơn (tức là từ Công khai sang Kín, hoặc từ Kín sang Bí mật) để bảo vệ các thành viên trong nhóm không vô tình chia sẻ bài viết với người ngoài. Nếu bạn quyết định thay đổi quyền riêng tư của nhóm sang thiết đặt hạn chế hơn thì bạn có thể đổi ý nội trong vòng 24 tiếng trước khi cài đặt mới có hiệu quả vĩnh viễn. Bất kỳ nhóm lớn hay nhỏ, tất cả thành viên sẽ nhận được thông báo khi thiết đặt quyền riêng tư được thay đổi.

Dầu cho cài đặt quyền riêng tư của nhóm có hạn chế cách mấy đi nữa, Facebook có thể truy cập được tất cả những gì đăng tải trên mạng Facebook. Công ty Facebook có thể bị trát tòa buộc cung cấp nội dung cho các cơ quan công lực. Ngoài ra, người dùng còn có thể báo cáo nội dung bên trong nhóm, ngay cả là nhóm bí mật đi nữa. Nội dung bị báo cáo có thể bị xóa nếu xét thấy vi phạm Tiêu Chuẩn Cộng Đồng và người dùng có thể bị chặn tạm thời vì vi phạm nội dung.

Lưu ý là các báo cáo có ác ý, theo Facebook không đương nhiên dẫn đến việc tháo gỡ nội dung nếu nó không vi phạm Tiêu Chuẩn Cộng Đồng. Tuy nhiên việc tháo gỡ sai lầm vẫn có xảy ra. Facebook còn có thể bị buộc nộp danh sách thành viên của nhóm hoặc tháo gỡ nội dung theo lệnh của trát tòa.

Thiết lập quy định cho nhóm anchor link

Cần nhớ là—đối với bất cứ nội dung trên mạng—ai đó truy cập được vào trong nhóm đều có thể sao chép các cuộc trao đổi của nhóm, chụp màn hình và chia sẻ màn hình đó công khai. Không có kỹ thuật nào để ngăn ngừa hình thức rò rỉ thông tin này, tuy thế quản trị viên của nhóm có thể thêm quy định cấm chụp màn hình, và ai vi phạm sẽ bị đuổi ra khỏi nhóm.

Bạn cũng nên lập ra những quy định hoặc nguyên tắc khác cho nhóm để khuyến khích việc tham gia trao đổi một cách tích cực và xây dựng và giúp bảo vệ quyền riêng tư của các thành viên. Mặc dù quy định cho nhóm có thể khó mà (hoặc không thể nào) thi hành, chúng giúp định hình mục tiêu của nhóm và xác định hình thức trao đổi tốt nhất trong nhóm. Thành viên của nhóm cũng cần biết là bên cạnh các quy định riêng của nhóm, họ cũng phải tuân thủ theo Tiêu Chuẩn Cộng Đồng của Facebook và Thoả Thuận Sử Dụng. Cần nhớ là thành viên trong nhóm có thể bất chấp các quy định do đó để xác định giải pháp bảo mật nào tốt nhất cho nhóm chúng tôi đề nghị thực hiện lượng giá rủi ro. Xin đọc cẩm nang Đánh Giá Rủi Ro của Bạn để biết thêm chi tiết.

Biết rõ các quản trị viên và người kiểm duyệt trong nhóm anchor link

Quản trị viên có quyền hạn rất lớn trong việc kiểm soát cài đặt quyền riêng tư và danh sách thành viên. Chỉ có quản trị viên nhóm mới có thể chỉ định một thành viên trong nhóm làm quản trị viên. Quản trị viên có thể thay đổi các thiết đặt của nhóm, quản lý nội dung, và kiểm soát danh sách thành viên. Một nhóm có thể có nhiều quản trị viên do đó cần biết những ai có vai trò đó.

Quản trị viên khác với người kiểm duyệt. Người kiểm duyệt có thể quản lý nội dung và danh sách thành viên, nhưng không thể thay đổi thiết đặt của nhóm. Bấm vào đây để biết cách xóa bỏ vai trò quản trị viên hay kiểm duyệt.

Quản trị viên có thể bật mở chức năng phê duyệt thành viên trong thiết đặt của nhóm cho các loại nhóm Công khai, Kín, và Bí mật. Chức năng này đòi hỏi quản trị viên phê duyệt thành viên mới của nhóm.

Nếu quản trị viên thêm người mới vào một nhóm Công khai hay Kín, các liên lạc của người đó có thể thấy qua Bảng tin hay tìm kiếm, người đó được mời hoặc tham gia Điều quan trọng này cần nhớ để trong trường hợp một người không muốn ai khác biết họ có liên hệ đến nhóm của bạn, hoặc việc tham gia là trái phép. Trong tình huống này, bạn có thể nghĩ đến việc cài đặt quyền riêng tư của nhóm thành “Bí mật”.

Nếu quản trị viên cho phép, thành viên của nhóm có thể thêm bất cứ bạn bè của họ tham gia vào nhóm. Người dùng không có chọn lựa gì khi được thêm vào trong một nhóm. Điều đó có nghĩa là một người với ác ý có thể thêm bạn vào một nhóm bị mang tiếng (Nhóm Người Đòi Lật Đổ Chính Quyền). Tuy thế bạn luôn có thể rời khỏi một nhóm.

Ghi chú về chính sách dùng tên thật của Facebook, và việc ẩn danh của quản trị viên anchor link

Facebook không cho phép dùng biệt hiệu. Người dùng chỉ có thể dùng tên mà bạn bè gọi hàng ngày và tên này cũng xuất hiện trên những giấy tờ tùy thân. Mặc dầu quản trị viên của nhóm thường có lý do chính đáng để bảo vệ danh tính của mình, một quản trị viên dùng biệt hiệu có thể bị báo cáo và tài khoản bị tạm đóng vì vi phạm chính sách dùng tên thật của Facebook. Nếu điều này xảy ra và không còn quản trị viên nào khác trong nhóm, Facebook xem coi có người kiểm duyệt nào khác trong nhóm. Nếu có thì tất cả người kiểm duyệt được đề nghị làm quản trị viên để có một người nhận lời. Nếu nhóm cũng không có người kiểm duyệt thì tất cả thành viên trong nhóm sẽ nhận được lời mời “Cho tôi làm Quản trị viên” hoặc “Đề nghị một Quản trị viên”. Nhóm nên có ít nhất một quản trị viên có tên thật: ai đó có thể dùng danh tính thật của họ cho việc quản trị nhóm.

Chặn thành viên anchor link

Bạn có thể có lý do chính đáng để chặn một thành viên trong nhóm. Có thể vì họ vi phạm quy định của nhóm hoặc một người lạ tìm cách vào được trong nhóm. Chỉ có quản trị viên mới có thể xóa hoặc chận một thành viên trong nhóm. Nếu quản trị viên không muốn cựu thành viên thấy nhóm thì nên chặn họ. Thành viên nào bị quản trị viên chặn thì sẽ không thấy nhóm hoặc bất kỳ thông tin nào của nhóm. Xin xem bảng sau đây để biết thêm chi tiết.

Các cựu thành viên tự rời nhóm có thể vẫn còn thấy một số nội dung, chẳng hạn như tên nhóm, mô tả, thẻ. Thí dụ như, cựu thành viên của một nhóm bí mật vẫn có thể thấy nhóm khi tìm kiếm, thấy mô tả của nhóm, và thấy thẻ của nhóm.

Chuyện gì xảy ra khi nội dung trên Facebook bị xóa anchor link

Facebook dành toàn quyền xóa những nhóm Facebook nào vi phạm thỏa thuận sử dụng (rất rộng). Nếu điều này xảy ra cho nhóm của bạn, chẳng những bạn mất các tin nhắn trước đó và thảo luận giữa các thành viên của nhóm, bạn còn còn có thể mất danh sách thành viên. Có nghĩa là trừ khi bạn giữ riêng danh sách thành viên, bạn sẽ không thể liên lạc lại nhóm hỗ trợ viên hoặc cộng đồng nếu nhóm bị xóa.

Chúng tôi vẫn còn chưa biết nhiều về các yêu cầu xóa mà Facebook nhận được từ chính quyền, cơ quan công lực, và cá nhân. Tuy nhiên chúng tôi biết là những yêu cầu đó thường có tính chính trị—nhất là tại những nơi trên thế giới mà quyền tự do ngôn luận và lập hội ít được tôn trọng.

Bạn cũng có thể chủ động xóa nhóm. Người thành lập nhóm có thể xóa nhóm bằng cách xóa hết các thành viên rồi xóa chính họ. Xóa nhóm là một hành động vĩnh viễn và không thể phục hồi. Quản trị viên không thể xóa một nhóm không phải do họ thành lập, trừ khi người thành lập đã chọn rời nhóm. Tuy nhiên, quản trị viên có thể lưu trữ nhóm. Khi được lưu trữ, nhóm sẽ không xuất hiện trong kết quả tìm kiếm với những người không phải là thành viên và không thành viên mới nào có thể tham gia nhóm. Nhóm có thể được hủy lưu trữ bởi bất cứ quản trị viên nào. Để biết rõ sự khác biệt giữa lưu trữ và xóa nhóm, xem nơi đây.

Xin đọc thêm chính sách quyền riêng tư của Facebook để biết thêm về chuyện gì xảy ra khi nội dung trên Facebook bị xóa. Ngay cả khi bạn đã xóa dữ liệu , Facebook vẫn còn có thể đọc được—nhất là khi cơ quan công lực yêu cầu dữ liệu được duy trì. Thông tin dành cho Cơ quan hành pháp (tính đến ngày 29 tháng Mười, 2018) của Facebook nói rằng, “Chúng tôi không lưu giữ dữ liệu cho mục đích hành pháp trừ khi nhận được yêu cầu lưu giữ hợp lệ trước khi người dùng xóa nội dung đó khỏi dịch vụ của chúng tôi.”

Với những thông tin nêu trên, bạn có đủ dữ kiện để có thể lấy quyết định rằng nhóm Facebook có phải là công cụ thích hợp cho nhu cầu của mình hay không.